Tại Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương khóa 13, Trung ương đã đồng ý số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố.

Trong đó, có 11 tỉnh, thành không thực hiện sáp nhập; 52 tỉnh, thành còn lại sáp nhập thành 23 đơn vị mới.

Về tên gọi dự kiến của 23 tỉnh, thành mới sau sáp nhập, tất cả đều lấy tên của một tỉnh, thành trong số các tỉnh, thành cũ. Một số tỉnh, thành mới lấy theo tên gọi của tỉnh, thành này nhưng trung tâm hành chính đặt ở tỉnh, thành kia.

Chia sẻ quan điểm về cách chọn tên dự kiến cho 34 tỉnh, thành mới sau sáp nhập, ông Vũ Trọng Kim, đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, cho rằng phương án chọn tên này là phù hợp.

Ông cho rằng, việc người dân mong muốn tên tỉnh mình được giữ lại vì những lý do lịch sử, văn hóa là điều chính đáng và là lẽ thường. Chúng ta nên tôn trọng những mong muốn, đề xuất đó.

Tuy nhiên, đã là ý kiến toàn dân thì sẽ rất đa dạng, nhiều góc độ cá nhân, quyết định cuối cùng chỉ được chọn một, vì thế rất khó làm thỏa mãn được tất cả.

“Khi Trung ương đã đưa ra phương án dự kiến, chắc chắn đã dựa trên những nguyên tắc, cơ sở, đã ghi nhận đề xuất từ phía địa phương”.

Nên nối tiếp lịch sử bằng sự đoàn kết, chung tay, đồng lòng

Theo ông, khi tỉnh, thành này được chọn lấy tên thì không phải tỉnh, thành kia sẽ mất đi, mà các đơn vị sẽ hòa quyện vào với nhau. Tên của các tỉnh, thành cũ vẫn sẽ còn mãi trong lịch sử của tỉnh, thành đó.

“Việc chọn tên một tỉnh, thành cũ làm tên của tỉnh mới sau sáp nhập là để giữ được sự thân quen, dễ gọi, dễ nhớ thay vì lấy tên tỉnh này một chữ, tên tỉnh kia một chữ”, ông Kim nói.

Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim cho rằng, tên của các tỉnh, thành cũ vẫn sẽ còn mãi trong lịch sử của tỉnh, thành đó. Ảnh: Internet.