8 nguyên tắc cơ bản bố trí nội thất phòng ngủ ai cũng nên biết

Bằng cách tuân thủ những nguyên tắc sau về thiết kế phòng ngủ, bạn không chỉ cải thiện chất lượng giấc ngủ mà còn nâng cao đáng kể chất lượng sống mỗi ngày.

Phòng ngủ không chỉ là nơi để nghỉ ngơi, mà còn là trạm sạc giúp chúng ta hồi phục năng lượng, tái tạo tinh thần sau một ngày dài. Một thiết kế phòng ngủ tốt không chỉ đáp ứng về mặt thẩm mỹ mà còn cần phục vụ tối đa cho nhu cầu thư giãn và giấc ngủ chất lượng.

Không khí và ánh sáng

Một phòng ngủ lý tưởng cần có sự lưu thông không khí tốt và ánh sáng tự nhiên vào ban ngày để tiêu diệt vi khuẩn, nấm mốc. Đồng thời, không gian cần đảm bảo sự yên tĩnh và tối hoàn toàn khi ngủ. Do đó, rèm cửa đóng vai trò rất quan trọng. Tùy theo thói quen, bạn có thể lựa chọn mức độ cản sáng từ 60% đến 100%.

Đặc biệt với những người khó ngủ, ánh sáng nhỏ như đèn TV hay công tắc cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Vì vậy, bạn không nên đặt các thiết bị điện tử phát ra ánh sáng trong phòng ngủ làm giảm đi công năng thư giãn.

Vị trí yên tĩnh

Phòng ngủ nên được đặt tại khu vực yên tĩnh nhất trong nhà, tránh gần bếp, phòng ăn hay phòng sinh hoạt chung. Nếu có thể, bạn hãy bố trí phòng ngủ ở tầng trên hoặc không gian riêng biệt để tránh tiếng ồn từ việc đi lại hay sinh hoạt chung ảnh hưởng tới giấc ngủ.

Nguyên tắc cân bằng thị giác

Sự cân bằng trong thiết kế giúp mắt và não bộ cảm thấy dễ chịu. Điều này thể hiện ở cách bố trí nội thất đối xứng, lựa chọn vật dụng trang trí theo cặp trong phòng ngủ như đèn ngủ hai bên giường. Nội thất phòng ngủ cần giữ bố cục hài hòa giữa các khu vực. Không gian lệch, thiếu cân đối thường gây cảm giác bất an tiềm thức.

Màu sắc giúp thư giãn

Khi chọn màu sắc phòng ngủ, bạn nên ưu tiên các gam màu tự nhiên như xanh lá, xanh dương, be, nâu đất, vàng nhạt. Đây là các màu có tác động tích cực đến tâm lý, giúp làm dịu thần kinh và kích thích trạng thái nghỉ ngơi. Ngoài ra, nên tránh các màu quá chói, quá tương phản. Những màu này dễ khiến tâm trí bị kích thích, khó đi vào giấc ngủ sâu.

Ánh sáng phòng ngủ không nên quá chói (Ảnh: IT).

Đường nét thiết kế ổn định

Trong thiết kế, các đường ngang, đường cong nhẹ trong thiết kế sẽ tạo cảm giác vững chãi và thư giãn. Ngược lại, đường thẳng đứng hay hình tròn quá nhiều dễ tạo cảm giác chuyển động, gây bất an. Ngay cả tranh treo trong phòng, bạn cũng nên sử dụng tranh phong cảnh hoặc có bố cục dịu mắt, tránh tranh chủ đề hành động hoặc màu sắc quá mạnh.

Hạn chế thiết bị điện tử

Trong thời đại số, việc giữ cho phòng ngủ không có thiết bị công nghệ là điều khó khăn nhưng rất cần thiết. Các thiết bị như TV, laptop, điện thoại không chỉ gây xao nhãng mà còn phát ra ánh sáng xanh – một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới chu kỳ ngủ tự nhiên. Tốt nhất, bạn nên đưa các thiết bị này ra khỏi phòng ngủ hoặc đặt ở chế độ im lặng, giảm thiểu ánh sáng trước khi ngủ.

Phân lớp ánh sáng nhân tạo

Ánh sáng phòng ngủ nên được phân tầng thành nhiều lớp gồm đèn tổng, đèn đọc sách, đèn ngủ, giúp điều chỉnh linh hoạt tùy vào thời điểm sử dụng. Đặc biệt, bạn nên ưu tiên ánh sáng ấm (2700-3000K) để tạo cảm giác dễ chịu. Trong thiết kế, bạn cần tránh ánh sáng trần chiếu thẳng vào mặt hoặc sử dụng ánh sáng trắng lạnh gây căng thẳng thị giác.

 Vị trí giường ngủ

Giường ngủ là món đồ nội thất quan trọng nhất trong phòng và cần được đặt ở vị trí vững chãi, thường là sát tường với phần đầu giường dựa vào tường. Bạn nên tránh đặt giường ngay sát cửa hoặc lưng giường quay ra cửa vì dễ gây cảm giác bất an. Lý tưởng nhất là từ vị trí giường thuận lợi cho việc quan sát được cửa ra vào nhưng không nằm trực tiếp trên luồng khí lưu thông.

Đầu giường cũng cần dựa vào tường chắc chắn để tạo cảm giác được bảo vệ. Trong tâm lý học tiến hóa, con người vốn cần một chỗ an toàn trong giấc ngủ bởi thời điểm dễ tổn thương nhất.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *